Trở thành một người Coach hướng nghiệp cho chính mình như thế nào?
- Trường Cốt Chinh
- Apr 22, 2024
- 9 min read
Updated: May 20, 2024
Khai vấn (Coaching) giúp chúng ta hiểu chính bản thân mình, khai mở những lựa chọn mới, và thoát khỏi những rối ren, nhưng cơ hội để dành thời gian với những người coach chất lượng chỉ dành cho một số ít những người và tổ chức may mắn có điều kiện chi trả. Tự khai vấn bản thân (Self-coaching) là kĩ năng đặt những câu hỏi để cải thiện nhận thức của bản thân và khơi gợi hành động tích cực. Bằng cách sử dụng ba kĩ năng thiết yếu được trình bày trong bài viết này, mọi người có thể học cách tự coach cho chính bản thân mình, bất chấp kinh nghiệm hay chuyên môn. Sự nghiệp của chúng ta có thể thường xuyên không ổn định, nhưng self-coaching là một khả năng mà chúng ta đều có thể kiểm soát. Cam kết phát triển những kĩ năng self-coaching của bạn có thể giúp bạn vượt qua những chướng ngại và mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn nữa. Nếu có một kĩ năng để dành thời gian học, rèn luyện và phát triển trong năm 2022, self-coaching là một lựa chọn tốt để bắt đầu.

Nguồn: Ibrahim Rayintakath
Ngày nay, không có một đường thẳng nào dẫn tới thành công trên hành trình sự nghiệp, và những năm trở lại đây đã tạo nên một môi trường nơi mà tất cả chúng ta đều phải làm quen với những thay đổi liên tục và độ phức tạp ngày càng tăng. Coaching là một hướng đi giá trị trong việc tạo nên sự rõ ràng và đối phó với sự không chắc chắn của một thế giới công việc ngày càng lệch lạc.
Coaching giúp chúng ta hiểu bản thân mình, khai mở những lựa chọn mới, và thoát khỏi những rối ren, nhưng cơ hội để dành thời gian với một người coach chuyên nghiệp chỉ dành cho một số ít những người và tổ chức có đủ điều kiện chi trả. Chúng ta biết coaching có thể khiến công việc trở nên tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta cần một cách thức tốt hơn để khiến nó tiếp cận tới tất cả mọi người.
Để coaching được lan toả rộng rãi hơn, chúng ta cần mở rộng định nghĩa của nó từ người tới cách tiếp cận. Một phần quan trọng của việc thực hành coaching là việc học bộ kỹ năng để tự coach cho chính bản thân bạn trong việc hướng nghiệp. Điều này không thay thế giá trị của những cuộc trò chuyện về nghề nghiệp với những người khác, như là quản lý, đồng nghiệp, và người cố vấn. Kĩ năng self-coaching thúc đẩy sự tự nhận thức về bản thân và sự độc lập của bạn, giúp bạn định hướng công việc một cách tự tin và có kiểm soát.
Self-coaching là kĩ năng đặt câu hỏi để cải thiện sự tự nhận thức về bản thân và khơi gợi hành động tích cực. Mọi người có thể học cách tự coach cho chính bản thân mình, bất chấp kinh nghiệm hay chuyên môn. Điều này cần rèn luyện và đôi lúc chúng ta có thể sẽ cảm thấy không thoải mái, nhưng luyện tập chăm chỉ sẽ đem lại thành quả xứng đáng. Khi chúng ta phát triển những ý tưởng của riêng mình và hành động đáp lại những thử thách mà chúng ta trải qua trong sự nghiệp của mình, chúng ta sẽ phát triển sự bền bỉ của mình và giảm đi sự phụ thuộc vào người khác.
Để coaching cho chính mình, hãy bắt đầu với việc phát triển ba kĩ năng dưới đây:
Khả năng tự nhận thức về bản thân
Để đạt được trình độ cao trong việc tự nhận thức về bản thân, chúng ta cần nhìn bản thân mình một cách rõ ràng và hiểu chúng ta khác với người khác như thế nào. Khả năng tự nhận thức về bản thân không nảy sinh một cách ngẫu nhiên - chúng ta chủ động khiến nó diễn ra. Có hai cách để cải thiện khả năng tự nhận thức về bản thân mà bạn có thể tích hợp ngay trong công việc của mình.
Thiết lập một bản đồ tư duy 5 phút (Five-minute mind-map)
Dành thời gian để tập trung nghĩ về bản thân hiếm khi là một ưu tiên trong danh sách việc làm hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta tăng nhận thức về cách mà những giá trị và niềm tin định hướng hành động của chúng ta ra sao, chúng ta sẽ có ý thức hơn về những lựa chọn chúng ta sẽ thực hiện trong tương lai.
Việc thiết lập một bản đồ tư duy 5 phút sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được cái nhìn sâu sắc trong cách phản ứng với thử thách trong công việc. Để thực hiện, hãy viết xuống thách thức của bạn ở chính giữa trang giấy, sau đó ghi chú lại tất cả những suy tư trong bạn, trả lời câu hỏi Ai?, Cái gì?, Khi nào?, Tại sao? của thử thách đó, và nhìn xem bạn đang chú ý tới điều gì. Ví dụ, nếu bạn đang có một mối quan hệ khó khăn với ai đó trong công việc, bạn có thể sẽ suy ngẫm về lý do bạn cần được mọi người yêu quý (trả lời câu hỏi Tại sao?) hoặc bạn có thể tìm câu trả lời cho việc những người bạn thấy khó khăn khi làm việc cùng có cách làm việc khác với bạn (trả lời câu hỏi “Ai?”). Bạn càng thực hành điều này thường xuyên, bạn càng chú ý hơn đến những chi tiết trong suy nghĩ mà có thể giúp ích hoặc chống lại bạn trong công việc. Sự tự nhận thức này sẽ giúp bạn không bị mắc kẹt, và cũng là một cách để rèn luyện kĩ năng self-coaching.
Hiểu mục đích và tác động
Để đánh dấu những lỗ hổng trong việc tự nhận thức, chúng ta cần hành động, chúng ta cần hiểu điều chúng ta muốn được mọi người biết đến gắn chặt với cách chúng ta thể hiện trong công việc. Để khám phá điều đó, hãy nghĩ tới ba hoàn cảnh quan trọng trong tuần khi bạn có một cái nhìn rõ ràng về cách bạn muốn thể hiện. Trong mỗi trường hợp, tóm tắt lại mục đích của bạn bằng một từ. Ví dụ, bạn muốn trở nên “đáng tin cậy” trong phần giới thiệu hoặc “có thể hợp tác” trong buổi gặp mặt nhóm. Sau mỗi tình huống, hãy hỏi ít nhất một người liên quan để mô tả ảnh hưởng của bạn từ góc nhìn của người đó bằng một từ. Câu hỏi này thường sẽ tương tự như thế này: “Bạn sẽ dùng từ nào để tóm tắt cách thể hiện của tôi trong buổi gặp hôm nay?” hoặc “Bạn sẽ dùng một từ nào để mô tả ảnh hưởng của tôi khi chúng ta gặp mặt?”. So sánh mục đích của bạn với phản hồi bạn nhận được về tác động của mình sẽ giúp bạn nhìn thấy khi nào bạn cần điều chỉnh sự tự nhận thức hoặc những khoảng trống tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Đặt những câu hỏi để tự Coach cho chính mình (viết tắt là CYQs)
Đặt những câu hỏi sâu sắc cho chính mình khi self-coaching sẽ mở khóa tư duy và khiến bạn xác định những hành động sẽ giúp bạn phát triển một cách tích cực. Bạn có thể đánh giá chất lượng những câu hỏi bằng việc sử dụng ba chữ “O” dưới đây:
Câu hỏi mở (Open)
CYQs bắt đầu với Ai?, Cái gì?, Tại sao?, Ở đâu?, Khi nào?, Bằng cách nào? sẽ không phải câu hỏi đóng (câu hỏi mà câu trả lời là “có” hoặc “không”). Nếu bạn thấy bản thân thường hỏi những câu hỏi đóng như là “Tôi có thích công việc của mình không?”, hãy hỏi lại theo hướng câu hỏi mở: “Tôi thích điều gì trong công việc của mình?”. Bạn sẽ có một câu trả lời sâu sắc hơn.
Tập trung vào chủ thể (Ownership)
CYQs tập trung vào chủ thể và luôn bao gồm “Tôi”. Thay vì câu hỏi “Người đó phát triển nhanh hơn mình bằng cách nào?”, hãy thay bằng câu hỏi “Tôi có thể thúc đẩy sự phát triển của bản thân bằng cách nào?”. Nếu bạn thấy bản thân đang đổ lỗi cho người khác hay những nhân tố bên ngoài khi self-coaching, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần tập trung lại vào thứ bạn có thể kiểm soát. Bằng cách nhận diện hành động của bản thân, bạn sẽ cam kết tốt hơn với việc thay đổi.
Đặt lần lượt từng câu một (One-at-a-time)
Tránh những câu hỏi “xếp chồng lên nhau” - những câu hỏi kép mà bạn tự đặt ra cùng một lúc. Thay vì đặt câu hỏi “Tại sao mình lại trễ hạn và cảm thấy mất kiểm soát trong việc quản lý thời gian nhỉ?”, bạn hãy hỏi và trả lời lần lượt từng câu hỏi: “Tại sao mình lại trễ hạn?” và “Tại sao tôi lại cảm thấy mất kiểm soát trong việc quản lý thời gian?”. Đặt lần lượt từng câu hỏi một giúp bạn tạo ra nhiều lựa chọn và hành động hơn như là một phần của phương pháp Coaching.
Bạn có thể bắt đầu với 5 Câu hỏi tự Coach cho chính mình (CYQs) dưới đây:
Điều gì cho tôi cảm hứng nhiều nhất khi làm việc?
Khi nào tôi nên để niềm tin cá nhân giữ bản thân mình lại?
Bằng cách nào tôi có thể tăng tần suất của những phản hồi mà tôi nhận được?
Ai có thể đề xuất cho tôi về những viễn cảnh thử thách khác nhau trên hành trình nghề nghiệp?
Điều gì tôi mong muốn trong thời gian 12 tháng tới mà chưa thành sự thật trong hôm nay?
Lắng nghe bản thân
Để coach cho bản thân, chúng ta cần trở nên thành thục trong việc lắng nghe suy nghĩ và niềm tin của mình - điều mà tạo nên hành động của chúng ta. Tuy nhiên, sự mất tập trung và không thoải mái có thể khiến tâm trí chúng ta lạc lối, hoặc bị thu hút bởi những thứ có thể dễ dàng để làm hơn. Khi sự tập trung của chúng ta bị chuyển hướng, ta sẽ không nhận được sự phản chiếu suy nghĩ một cách có chiều sâu - điều giúp chúng ta suy nghĩ hoặc hành động một cách khác. Có một số kĩ thuật bạn có thể luyện tập như là một cách học để lắng nghe bản thân.
Tìm ra sự xung đột
Tất cả chúng ta đều có xung đột. Hiểu được ở đâu và khi nào điều này xảy ra là một phần quan trọng của việc đảm bảo rằng bạn không để chủ quan cá nhân ảnh hưởng khi bạn tự coach cho chính mình. Tìm cách để tăng sự xung đột giữa bạn và dòng chảy của sự mất tập trung có thể ngăn chặn những ảnh hưởng đến nỗ lực self-coaching của bạn. Ví dụ, nếu công nghệ làm bạn mất tập trung, bạn có thể tạo xung đột bằng cách để các thiết bị công nghệ ở phòng khác. Nếu có người nào đó gây ra sự mất tập trung cho bạn, hãy thử coach cho chính mình trong một quán cà phê hoặc đầu ngày mới, trước khi công việc bận rộn khiến bạn phân tâm.
Trở thành tri kỉ của chính mình
Một phần của việc self-coaching là học từ giọng nói trong đầu của bạn. Chúng ta đều có người coach và người phản biện bên trong mình, và sẽ có nhiều lần người phản biện bên trong bạn len vào và bắt đầu kiểm soát. Điều này có thể nghe như là “Tôi không đủ thông minh để hiểu ra điều này” hoặc “Tôi không thể làm nó nên tôi sẽ từ bỏ ngay bây giờ”.
Để ngăn sự phản biện bên trong bạn, hãy thử nói chuyện với chính mình theo cách giống với cách mà người tri kỉ của bạn nói chuyện với bạn. Tưởng tượng bản thân bạn có một cuộc đối thoại với người tri kỉ đó, hãy viết xuống ba câu mang tính ủng hộ. Có thể họ sẽ nhắc nhở bạn về những thành tựu trước kia hoặc cách bạn đã vượt qua nghịch cảnh như thế nào. Hoặc có thể họ sẽ nói về việc họ đã ngưỡng mộ sự nỗ lực và can đảm của bạn đến nhường nào. Hãy giữ người tri kỉ đó trong tâm trí khi người phản biện bên trong bạn bắt đầu len vào.
Chúng ta sẽ thường xuyên cảm thấy bấp bênh trong sự nghiệp, nhưng self-coach là khả năng mà tất cả chúng ta đều có thể kiểm soát. Cam kết về sự phát triển những kĩ năng self-coaching của bạn có thể giúp bạn vượt qua những chướng ngại và mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn nữa. Nếu có một kĩ năng để dành thời gian học, luyện tập, và phát triển trong năm 2022, coaching cho bản thân là một lựa chọn tốt để bắt đầu.
Nguồn: Harvard Business Review
Tác giả: Helen Tupper & Sarah Ellis
Người Việt hóa: Kiều Hải (Team Cốt Chinh)
Bản quyền Việt hóa thuộc team Cốt Chinh, vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ.
Comments